Năm 2025 đánh dấu tròn nửa thế kỷ kể từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. 50 năm – một chặng đường không dài trong tiến trình lịch sử, nhưng đủ để chứng kiến sự chuyển mình ngoạn mục của nền kinh tế Việt Nam: từ đổ nát sau chiến tranh, bước qua cải cách, mở cửa, vươn lên hội nhập sâu rộng và khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Hành trình phát triển ấy là minh chứng sống động cho ý chí tự lực, khát vọng vươn lên và bản lĩnh vượt khó của cả dân tộc.
1975 – 1985: Hậu chiến và khát vọng hồi sinh
Những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước, Việt Nam đối mặt với vô vàn thử thách. Hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại một nền kinh tế kiệt quệ: cơ sở hạ tầng đổ nát, sản xuất đình trệ, lạm phát phi mã, đời sống nhân dân thiếu thốn trăm bề. Trong bối cảnh bị cấm vận và cô lập về kinh tế, mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung tuy giúp ổn định xã hội nhưng bộc lộ nhiều bất cập, thiếu linh hoạt và trì trệ trong phát triển.
Nhưng chính trong gian khó, khát vọng đổi thay đã được hun đúc. Những bài học từ thực tiễn sản xuất, từ đời sống nhân dân, đã dần thức tỉnh tư duy phát triển kinh tế. Một sự chuyển hướng là cần thiết – mạnh mẽ và toàn diện.
1986: Đổi mới – Khởi đầu một kỷ nguyên phát triển
Năm 1986, tại Đại hội VI, Đảng ta đã khởi xướng công cuộc Đổi mới – một quyết sách lịch sử, mở đường cho nền kinh tế Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ. Từ đây, Việt Nam tiến dần sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện cải cách về đất đai, thương mại, tài chính và đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài.
Những hạt giống cải cách đầu tiên đã làm nên “phép màu” cho kinh tế Việt Nam trong những năm tiếp theo, đặt nền móng cho một mô hình phát triển năng động, hiệu quả và ngày càng gần hơn với chuẩn mực quốc tế.
1995: Gia nhập ASEAN – Mở rộng hội nhập khu vực
Năm 1995 là một năm có tính bước ngoặt trong chính sách đối ngoại và chiến lược hội nhập của Việt Nam. Việc chính thức “bình thường hóa” quan hệ với Hoa Kỳ sau gần 20 năm bị cấm vận đánh dấu sự chuyển mình quan trọng của Việt Nam trong việc mở rộng quan hệ quốc tế. Vào ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Chỉ một ngày sau, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thay mặt Chính phủ Việt Nam long trọng tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ.
Cũng trong năm này, Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không chỉ mở ra thời kỳ mới trong quan hệ khu vực, mà còn đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ từ một quốc gia từng bị cô lập sang một thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế.
Những sự kiện này đã mở ra cánh cửa để Việt Nam tiếp cận thị trường phát triển, công nghệ tiên tiến và hệ thống tài chính toàn cầu – tạo nền tảng cho một giai đoạn phát triển mới.
2000: Mở rộng quan hệ thương mại – Việt Nam và thế giới xích lại gần nhau
Đến năm 2000, thành quả của quá trình hội nhập đã hiện rõ. Việt Nam thiết lập quan hệ thương mại với hơn 140 quốc gia và có quan hệ đầu tư với gần 70 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Không còn là một nền kinh tế khép kín, Việt Nam đang dần trở thành một phần không thể tách rời của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hàng hóa Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường quốc tế, trong khi dòng vốn đầu tư và công nghệ từ các nước phát triển cũng liên tục chảy vào, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao năng lực sản xuất trong nước.
2007: Gia nhập WTO – Bước nhảy vọt vào kinh tế toàn cầu
Gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Đây không chỉ là cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, mà còn là động lực buộc Việt Nam phải cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi.
Đến năm 2009, Việt Nam chính thức gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp – một cột mốc quan trọng, ghi nhận những nỗ lực bền bỉ trong hơn hai thập kỷ cải cách.
2018 – 2020: Chủ động hội nhập – Vươn tầm chuỗi giá trị toàn cầu
Một trong những thành tựu nổi bật trong hội nhập quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn gần đây là việc tham gia và thực thi hiệu quả các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới. Các hiệp định này, bao gồm CPTPP, EVFTA và RCEP, không chỉ mở rộng mối quan hệ với các đối tác quốc tế mà còn thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam thông qua việc gia nhập các chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ đó môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam. Các cam kết từ những hiệp định này phản ánh sự quyết tâm của Việt Nam đối với tự do hóa thương mại và đầu tư, đồng thời tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Việt Nam đã chủ động thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế, mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu, đồng thời giúp các doanh nghiệp trong nước nâng cao công nghệ và chất lượng sản phẩm để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các ngành như dệt may, điện tử, thủy sản đã tận dụng được các tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất, quản lý và môi trường, từ đó nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
2020 – 2022: Bản lĩnh trong đại dịch – Kinh tế không lùi bước
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu, kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Dù chịu tác động mạnh, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức 2,9% trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu. Việt Nam trở thành điểm sáng về năng lực điều hành, ứng phó linh hoạt, và khả năng duy trì ổn định vĩ mô. Đây không chỉ là thành công kinh tế, mà còn là minh chứng cho bản lĩnh quốc gia trong thời khắc thử thách.
2024 – 2025: Vươn lên vị thế mới – Tự tin bước vào tương lai
Từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu và từng bị cấm vận, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế lớn, xếp thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 34 toàn cầu về quy mô kinh tế năm 2024. Tổng kim ngạch thương mại đạt hơn 810 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nằm trong top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất toàn cầu, đóng góp tích cực vào sự ổn định và phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.
Bước sang năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, với chuyển đổi xanh trở thành không chỉ là một xu hướng, mà là động lực tăng trưởng chủ đạo. Chính sách phát triển kinh tế xanh đang mở ra nhiều cơ hội mới trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững và sản xuất thân thiện với môi trường, qua đó góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng tăng trưởng và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đây cũng là nền tảng để Việt Nam hướng tới mức tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo.
Tầm nhìn tương lai: Khát vọng hùng cường, đất nước thịnh vượng
Từ vết thương chiến tranh đến những thành tựu phát triển đáng tự hào hôm nay, hành trình 50 năm của kinh tế Việt Nam là hành trình của ý chí, bản lĩnh và khát vọng. Một đất nước từng đứng bên bờ vực đói nghèo, giờ đây đang tự tin khẳng định vị thế trên trường quốc tế – không chỉ bằng tăng trưởng, mà bằng chất lượng phát triển, giá trị thương hiệu quốc gia và niềm tin vào tương lai.