Chuẩn bị kỹ lưỡng cho bầu cử Quốc hội khóa XVI và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031

Sáng 16/4, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, khóa XIII, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã truyền đạt chuyên đề quan trọng về công tác sửa đổi Hiến pháp, pháp luật và định hướng chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031.

Sắp xếp bộ máy – Mở không gian phát triển mới

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các luật và nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đang phát huy hiệu quả trong công cuộc cải cách tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đây là bước đi quan trọng nhằm tháo gỡ vướng mắc về thể chế, khai thác tốt nguồn lực và mở ra không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước.

Thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị Trung ương 11, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, giảm cấp huyện, sáp nhập cấp xã, tiến tới xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp, đồng thời kiện toàn các tổ chức chính trị – xã hội, sẽ mở ra một cục diện phát triển mới, phù hợp với yêu cầu đổi mới toàn diện trong thời kỳ phát triển nhanh và bền vững.

Chủ động chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2026

Theo Chủ tịch Quốc hội, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và HĐND các cấp dự kiến là Chủ nhật, ngày 15/3/2026. Đây là thời điểm sớm hơn so với các kỳ trước nhằm tạo sự đồng bộ với Đại hội Đảng các cấp, cũng như bảo đảm triển khai kịp thời Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng. Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XVI dự kiến tổ chức vào ngày 6/4/2026.

Về số lượng đại biểu Quốc hội, dự kiến là 500 đại biểu, trong đó tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất là 40%. Định hướng chung về cơ cấu là:

  • Nữ: ít nhất 35%
  • Trẻ tuổi (dưới 40 tuổi): khoảng 10%
  • Dân tộc thiểu số: ít nhất 18%
  • Đại biểu tái cử: khoảng 30%

Tiêu chuẩn đại biểu cơ bản giữ như trước, nhưng có một số điều chỉnh mới:

  • Những người am hiểu khoa học – công nghệ, có kiến thức pháp luật vững vàng sẽ được ưu tiên, vì họ chính là lực lượng giúp đưa ra những quyết sách đột phá, phù hợp với thời đại số..
  • Về độ tuổi: nam ứng cử viên phải sinh từ tháng 3/1969 trở lại đây, nữ từ tháng 9/1972 trở lại đây. Với trường hợp tái cử, nam sinh từ tháng 3/1967, nữ sinh từ tháng 5/1971 trở lại đây.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 11 vừa qua: “Lấy yêu cầu công việc làm tiêu chuẩn cao nhất, sau đó mới xét đến các tiêu chí khác.”

Công tác tổ chức bầu cử: Dân chủ – Trách nhiệm – Hiệu quả

Để cuộc bầu cử diễn ra thành công, các cấp ủy, chính quyền cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ:

  • Thành lập Ban chỉ đạo bầu cử từ tỉnh đến xã.
  • Đảm bảo dân chủ, lãnh đạo tập trung, thống nhất trong công tác nhân sự.
  • Tổ chức tốt các bước hiệp thương, đảm bảo cả số lượng và chất lượng ứng cử viên.
  • Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, yêu cầu, quyền và nghĩa vụ trong bầu cử.
  • Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời giải quyết nhanh chóng, kịp thời các khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử.

Tiếp tục đổi mới hoạt động của Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, thể hiện trách nhiệm cao nhất trước Trung ương, Đảng, cử tri và Nhân dân.

Đảng ủy Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy Chính phủ trong việc quán triệt sâu sắc Nghị quyết 60-NQ/TW đến toàn thể cán bộ, công chức Quốc hội và các cơ quan liên quan. Từ đó, góp phần bảo đảm Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2026 được triển khai một cách bài bản, chất lượng và thành công tốt đẹp.