Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương: Chúng tôi sẵn sàng giải những bài toán lớn

Nhân tài sẽ không về nước vì thu nhập mà sẵn sàng cống hiến nếu được tin tưởng giao những đề bài lớn, TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch mạng lưới kết nối trí thức người Việt toàn cầu AVSE Global trả lời phỏng vấn VnExpress.

Ông Nguyễn Đức Khương chia sẻ về những kỳ vọng của cộng đồng nhà khoa học, trí thức ở nước ngoài, khi chứng kiến các thay đổi lớn đang diễn ra trong nước. Ông vừa trở về Việt Nam, vài ngày sau khi tổ chức Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Việt Nam toàn cầu VGIC 2025, nơi quy tụ 100 nhà đổi mới sáng tạo Việt Nam và 50 đại diện các tập đoàn, tổ chức tại đại bản doanh của Google ở Singapore.

TS Nguyễn Đức Khương trả lời VnExpress tại Hà Nội, vài ngày sau khi trở về từ Diễn đàn ở Singapore. Ảnh: Tùng Đinh

– Tổ chức khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) đã kết nối hàng nghìn chuyên gia người Việt trên khắp thế giới bằng cách nào?

– Chúng tôi sáng lập AVSE Global năm 2011, với mục đích kết nối những chuyên gia và trí thức người Việt để thực hiện các chương trình hỗ trợ cho phát triển tại Việt Nam. Đến nay, mạng lưới đã kết nối hơn 10.000 nhà khoa học, trí thức, chuyên gia, trong đó 2.000 người đã trực tiếp tham gia vào một trong các chương trình của Tổ chức.

Có một điều tuyệt vời là các nhà khoa học, dù làm gì hay ở đâu, họ cũng rất yêu và quan tâm đến mọi biến động của đất nước. Nhưng mời họ tham gia không phải lúc nào cũng thuận lợi.

Chúng tôi hay gọi công việc của mình là “đi mời Gia Cát Lượng”. Quả thực rất giống vì thường họ là những người Việt xuất sắc trong lĩnh vực và chắc chắn có thể góp phần giải quyết các vấn đề cho Việt Nam. Có những người phải thuyết phục đến 3-4 lần mới chịu nhận lời. Nhưng sau đó, họ lại là những người “say” công việc nhất và trở thành mắt xích quan trọng trong hoạt động của chúng tôi. Nói thế để thấy tri thức người Việt ở bất cứ đâu cũng sẵn sàng hỗ trợ đất nước, quan trọng là cần tạo điều kiện đó cho họ.

– Cộng đồng các chuyên gia ở nước ngoài của AVSE Global nói gì về Việt Nam khi đất nước đang hướng tới kỷ nguyên mới với rất nhiều thay đổi?

– Khi trong nước nói về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, bản thân chúng tôi, dù đang sống và làm việc ở nhiều nơi cũng không thể đứng ngoài cuộc. Chúng tôi thảo luận nhiều nhưng có 3 chủ đề được quan tâm nhất là cải cách hành chính; Nghị quyết 57 và việc thu hút nhân tài.

Về cải cách hành chính, chúng tôi rất ủng hộ và mong muốn được tham gia vào các bước đi tiếp theo. Thứ hai là Nghị quyết 57 với những đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia – niềm trăn trở từ rất lâu của chúng tôi. Càng đi nhiều, càng làm việc với quốc tế nhiều, càng thấy Việt Nam đang xếp hạng phía sau như thế nào. Nghị quyết 57 giống như “cởi trói” cho những băn khoăn của chúng tôi trước đây, giúp các nhà khoa học được quyền hy vọng nhiều hơn.

Thứ ba là thu hút nhân tài, một vấn đề có thể nói là “nỗi đau dai dẳng” nhưng cũng là động lực của tất cả các nước. Giới khoa học quan tâm nhân tài sẽ được sử dụng thế nào. Không phải ai cũng đủ năng động để tự tìm cho mình một vị trí tốt, dù họ không đòi hỏi nhiều vật chất. Nhiều người thực sự rất giỏi nhưng chỉ thuần túy khoa học. Họ rất mong được tìm đến, được tạo môi trường.

Nhưng nhìn chung, điều tôi cảm nhận là mọi người đều thấy đây là thời điểm tuyệt vời để cống hiến. Chúng tôi bàn nhiều hơn việc mình có thể đóng góp gì.

– Nghị quyết 57 với tinh thần là đặt các nhà khoa học làm trung tâm thực tế cũng đã tiếp cận và hướng tới giải quyết những “nỗi đau” mà ông nói. Từ quan sát của bản thân, ông cho đâu sẽ thực sự là động lực thôi thúc các nhân tài về nước?

– Theo tôi không nên chỉ đặt vấn đề “thu hút về nước” mà nên tiếp cận dưới góc độ “cống hiến”. Cống hiến thì hoàn toàn có thể vẫn ở nước ngoài và đóng góp từ xa bằng nhiều cách. Thu hút về nước sẽ là bài toán phức tạp hơn. Đây cũng là vấn đề AVSE Global quan tâm và chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu thực tế, với nhân tài người Việt từ 31 nước trên thế giới.

 

Thật bất ngờ, thu nhập không phải yếu tố quyết định. Với họ, điều quan trọng là cần có những “bài toán hay”. 40,2% chuyên gia chúng tôi khảo sát muốn nhận được những đề bài hay, khó và được chọn là người giải.

Vậy bài toán hay là gì? Chúng tôi từng gặp con của một lãnh đạo một trong những tập đoàn lớn nhất cả nước. Bạn ấy đi du học xong chưa muốn về, dù có một vị trí cao đang đợi ở nhà và điều kiện vật chất thì khỏi cần nói thêm. Nguyên nhân đơn giản, bạn ấy đang ở trong một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quá mạnh, được đặt những đề bài “khủng”, có cảm giác đang thay đổi thế giới và có sức ảnh hưởng đến tầm quốc gia. Cho nên, nếu về Việt Nam, một bài toán có thể góp phần vào quá trình thay đổi đất nước, hoặc thay đổi một vùng nào đó, sẽ là điều thu hút họ. Chúng tôi xin sẵn sàng cùng nhau giải các bài toán lớn của đất nước.

– Trong bối cảnh Việt Nam đang vươn mình để bước vào kỷ nguyên mới, chắc chắn không thiếu những “bài toán” hay và khó, chờ nhân tài ở nước ngoài cùng giải. Nhưng theo ông, cần điều kiện gì để hai bên có thể “gặp nhau”?

– Việc đóng góp cho đất nước không phải là câu chuyện người đi tìm việc, hay tạo ra việc để đưa người vào, mà là có những việc gì và cần người như thế nào để làm việc đó.

Tôi tin các nhà khoa học có thể sẵn sàng cống hiến, nhưng một trong những điều lo lắng của chúng tôi là việc thực thi một chiến lược liệu có đi được đến đích cuối cùng không. Ví dụ ở địa phương, khi thay đổi lãnh đạo, chiến lược là tầm nhìn dài hạn họ đưa ra trước đó có thể cũng bị đổi theo. Thậm chí, cả phương pháp, cách làm không còn theo hướng cũ. Khi đó, việc đảm bảo cho một dự án được thực thi đến cùng, hiệu quả nhất không phải lúc nào cũng dễ dàng có được.

Nói cách khác, để một quốc gia vươn lên và phát triển, những bài toán lớn phải đến từ Nhà nước, từ những lãnh đạo cao nhất.